Phát huy quyền chủ động sáng tạo cho doanh nghiệp trong công tác giao kế hoạch năm 2016

Muốn nâng cao hiệu quả kinh doanh, bản thân các doanh nghiệp dù là đơn vị phụ thuộc hay độc lập, đơn vị 100% vốn sở hữu của công ty mẹ hay công ty cổ phần chi phối, công ty liên kết đều phải chủ động sáng tạo. Khi đó các doanh nghiệp mới biết hạn chế những khó khăn thách thức, phát triển những thuận lợi để tạo ra môi trường hoạt động có lợi cho đơn vị mình. Tự mỗi doanh nghiệp là người đóng vai trò quyết định cho sự tồn tại hay suy vong của chính doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên một thời gian dài đã qua không ít doanh nghiệp luôn được bao bọc bởi “bầu sữa” của ngành thuốc lá đã làm thui chột năng lực sáng tạo, mất đi tính chủ động, với thói quen dựa dẫm và ỷ lại. Theo lộ trình tái cơ cấu lại toàn tổ hợp Công ty mẹ - công ty con Tổng công ty Khánh Việt theo hướng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn công ty mẹ tại các công ty con. Khi đó, Công ty mẹ là công ty cổ phần, không còn đơn vị phụ thuộc công ty mẹ, các công ty con đều là công ty liên kết. Bên cạnh đó các hiệp định thương mại quốc tế TPP, FTA... có hiệu lực, thì mỗi doanh nghiệp không chỉ chịu sức cạnh tranh trong nước mà đang tham gia cuộc chơi trong toàn khu vực, trên toàn cầu.

 
Đổi mới trong công tác giao kế hoạch năm 2016 và kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 cho các đơn vị nhằm tạo tính chủ động sáng tạo, phát huy năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo, đánh giá đúng thực trạng của mỗi doanh nghiệp, bám sát chiến lược kinh doanh của mỗi đơn vị. Tiêu chí phát triển ổn định và bền vững được đặt lên hàng đầu, công tác quản trị nguồn nhân lực làm trọng tâm xuyên suốt.
 
Theo đó, các đơn vị chủ động trình bày bảo vệ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 và chiến lược 2016 - 2020. Tổng công ty không áp đặt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, quy mô hoạt động, không bao cấp hoặc điều chỉnh tiền lương và thu nhập cũng như không can thiệp sâu vào công tác quản trị của mỗi doanh nghiệp. Phương pháp quản trị trên nhằm nâng cao vai trò quyết định của doanh nghiệp thể hiện trên hai mặt: Một là, phải biết khai thác và tận dụng những điều kiện, yếu tố thuận lợi của môi trường bên ngoài. Hai là, chủ động tạo ra những điều kiện, yếu tố, phát huy sức mạnh bên trong để phát triển. Cả hai mặt này cần phải được phối hợp đồng bộ, sử dụng tổng hợp các biện pháp từ nâng cao năng lực quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh đến việc tăng cường và cải thiện mọi hoạt động bên trong doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp luôn thích ứng với những biến động của thị trường được dự báo đầy khó khăn và diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
 
Để chủ động đón đầu những thuận lợi, cơ hội, đối phó với những khó khăn và thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mỗi doanh nghiệp cần tập trung và làm quyết liệt một số vấn đề như sau:
 
Một là: Tăng cường quản trị chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên phải thường xuyên kiểm tra đánh giá để có điều chỉnh kịp thời thích hợp cho từng thời điểm, từng điều kiện cụ thể. Chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp cần lưu ý yếu tố sau:
- Chiến lược kinh doanh phải gắn với thị trường, làm tốt công tác điều tra, phân tích nhu cầu thị trường, biết tối đa hóa các điều kiện thuận lợi, thế mạnh để có thể làm chủ thị trường, không bị động.
- Chiến lược kinh doanh phải có tính linh hoạt, không cứng nhắc một chiều để luôn phát huy được năng lực cạnh tranh dựa trên thế mạnh.
- Chiến lược kinh doanh phải có mục tiêu then chốt, tính cụ thể và tính khả thi cao. Phải cụ thể hóa chiến lược bằng các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn.
 
Hai là: Xác định sản lượng, quy mô sản xuất dịch vụ tối ưu
Dựa trên các yếu tố đầu vào, năng lực quản trị, năng lực khai thác và những tác động bên ngoài để xác định điểm điều hòa vốn tối ưu. Tùy loại hình sản xuất kinh doanh mà chọn tiêu chí làm điểm điều hòa vốn.
Lâu nay, một số doanh nghiệp thường chỉ chú ý đến điểm điều hòa vốn là sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh thu hoặc quy mô kinh doanh… nhưng ít chú trọng đến khả năng quản trị, khả năng ứng phó với những tác động của các yếu tố bên ngoài và bên trong đến doanh nghiệp nên thường bị động và không kiểm soát được hết các rủi ro.
 
Ba là: Phát triển trình độ đội ngũ lao động, tạo động lực cho tập thể và cá nhân người lao động
Nâng cao trình độ nghề của đội ngũ lao động thì mới nói đến năng suất lao động và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Cần quan tâm xây dựng sơ đồ tổ chức khoa học hợp lý trên nguyên tắc sơ đồ đó phải trở thành công cụ quản lý đáp ứng được 3 yêu cầu:
- Thể hiện rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân và bộ phận.
- Tạo sự phối hợp gắn kết chéo giữa các thành viên với nhau và giữa các bộ phận.
- Tạo được động lực phấn đấu, phát triển bản thân cho mỗi thành viên và cho từng tập thể.
 
Bốn là: Nâng cao năng lực quản trị và điều hành
Muốn đón đầu, hội nhập đòi hỏi đầu tư đổi mới trang thiết bị phải có bước nhảy đột phá. Việc đổi mới công nghệ cần quan tâm đến sử dụng nguyên liệu mới có tính ưu việt, thuận lợi phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mạnh dạn bán, cho thuê những gì doanh nghiệp không cần hoặc quản lý không được, không hiệu quả. Chủ động và quyết liệt mua hay đi thuê những gì doanh nghiệp cần nhưng yếu và thiếu. Chỉ có vậy mới tạo ra bước đột phá, đốt cháy giai đoạn để phát triển.
 
Năm là: Tăng cường liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp và xã hội
Khó có thể phát triển và cạnh tranh nếu doanh nghiệp còn tư duy hoạt động độc lập và khép kín trong nền kinh tế hội nhập như hiện nay. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã buộc các doanh nghiệp cần phải liên kết chuỗi thì mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường, mới khai thác được hết thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, chuyên môn hóa lĩnh vực kinh doanh, tạo ra được động lực phát triển.

Lê Tiến Anh - Tổng Giám đốc TCT Khánh Việt

© Tổng công ty Khánh Việt | 2015Đăng Nhập

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Tiến Anh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Khánh Việt