Tháng 01/2007 Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Cùng với đó đến nay Việt Nam cũng đã tham gia ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), …
Với sự hội nhập sâu, rộng vào sân chơi toàn cầu của Việt Nam đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống xã hội, năng lực sản xuất, mở rộng thị trường…; Thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn; Thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển.
Tuy nhiên, tại sân chơi này, các doanh nghiệp Việt cũng gặp khá nhiều khó khăn, áp lực khi các đối thủ là các công ty siêu lớn, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia… vừa có tiềm lực kinh tế vững mạnh, vừa có kinh nghiệm trong chuỗi quản trị hệ thống. Vì vậy để tồn tại và phát triển, các DN Việt phải thay đổi tư duy quản trị lạc hậu, thay đổi cơ chế hoạt động trì trệ để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới. Phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua áp dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại, đổi mới tư duy quản trị, mở rộng nguồn lực tài chính, thu hút nhân tài, …
Cổ phần hóa DNNN là giải pháp giúp các DNNN dần thoát khỏi chiếc áo cơ chế bó buộc, tăng quyền tự chủ, linh động trong nhiều lãnh vực nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững từ đó nâng cao nguồn thu nhập cho người lao động. Thông qua mô hình mới, công tác kiểm tra, giám sát của các cổ đông trong và ngoài công ty sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn trong việc đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh, nâng cao vị thế và hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường.
Công tác CPH cũng đã tạo điều kiện để người lao động thực sự làm chủ doanh nghiệp. Người lao động trong doanh nghiệp được tham gia mua cổ phần và khẳng định quyền làm chủ của mình. Và khi đã trở thành cổ đông, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động gắn chặt với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, và khi trở thành người chủ của doanh nghiệp thì người lao động sẽ có trách nhiệm với công ty hơn, phấn đấu nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm trong hoạt động sản xuất, bảo vệ thương hiệu, uy tín doanh nghiệp. Từ đó kết quả SXKD của công ty mới thực sự có hiệu quả, họ mới được hưởng lợi nhuận cao xứng đáng với sức lao động mà mình bỏ ra.
Cổ phần hóa giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động thêm nguồn vốn của xã hội thông qua việc phát hành cổ phiếu để đầu tư vào hoạt động SXKD, đổi mới công nghệ, phát triển kinh doanh theo chiều sâu.
Hiểu được tầm quan trọng, khả năng sinh tồn và nhận định xu hướng phát triển của thị trường cũng như trách nhiệm đối với người lao động trong bối cảnh hiện nay. Ban lãnh đạo Tổng công ty Khánh Việt đã rất quyết liệt trong việc thực hiện thoái vốn và cổ phần hóa Tổng công ty. Tính đến nay, Công ty đã từng bước chuyển đổi mô hình doanh nghiệp và thoái vốn tại các đơn vị thuộc Tổng công ty (hoàn thành thoái 100% vốn nhà nước tại 6 công ty con, nắm cổ phần không chi phối 10 đơn vị, nắm cổ phần chi phối 2 đơn vị, công ty TNHH MTV 3 đơn vị, công ty hạch toán phụ thuộc 10 đơn vị) và dự kiến sẽ tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp trong năm nay tiến tới cổ phần hóa hoàn toàn Tổng công ty.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 do Phó Thủ tướng Phan Đình Huệ phê duyệt và yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tổng công ty, bảo đảm quyền lợi người lao động, góp phần quan trọng ổn định hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường cũng như thu hút nhân tài. Tổng công ty đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa doanh nghiệp. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc phối hợp với các tổ chức tư vấn tiến hành xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; xây dựng phương án cổ phần hóa và dự thảo Điều lệ lần đầu của công ty cổ phần; lựa chọn phương thức bán cổ phần lần đầu…
Với slogan “Đổi mới tư duy - Phát huy nội lực”, năm 2018 dự báo sẽ là một năm hết sức có ý nghĩa đối với Tổng công ty Khánh Việt trên con đường hội nhập sâu rộng với thị trường trong nước và quốc tế. Tiến hành chuyển đổi thành công mô hình sở hữu sang cổ phần để phát huy hết nội lực mà Khatoco đã xây dựng, tích lũy suốt 35 năm qua.
Tin: Trường Đỗ