Nói về văn hoá lãnh đạo, quản lý, người ta thường đề cập đến tài năng, nghệ thuật, thủ thuật lãnh đạo, kỹ năng quản lý và nhân cách, đạo đức của người đứng đầu. Đặc trưng văn hoá lãnh đạo của Khatoco thể hiện ở những giá trị mang lại từ hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của những con người được cấp trên tin tưởng và cấp dưới kính trọng, kể cả lúc đương chức hay khi đã nghỉ hưu.
Nhìn lại 30 năm hình thành, phát triển của Khatoco, trong hoàn cảnh mới ra đời, tài sản, tiền vốn gần như không có, những người “đứng mũi, chịu sào” luôn đồng cam cộng khổ cùng người lao động, vừa vắt óc suy nghĩ kế sách, vừa làm việc như những người công nhân bình thường, từ việc nhỏ đến việc lớn, không nề hà việc gì, miễn là có thể góp nhặt, tích lũy từng đồng vốn cho doanh nghiệp. Lao động, cống hiến hết mình trong môi trường thử thách, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp của Khatoco trưởng thành từ phong trào thực tiễn tại cơ sở, họ đi lên bằng chính “đôi chân” của mình, hơn ai hết họ thấu hiểu những gian khó phải vượt qua và luôn luôn sẵn lòng chia sẻ, gánh vác với người lao động.
Các thế hệ lãnh đạo của Khatoco gắn bó với doanh nghiệp, với người lao động như một phần máu thịt trong ngôi nhà thứ hai của mình. Vâng, ngôi nhà mà ở đó không ai chấp nhận những cá nhân chỉ biết vun vén cho riêng mình và hoàn toàn không có chỗ cho những kẻ xu thời, tìm cơ hội tiến thân thông qua những mối quan hệ không lành mạnh. Ở Khatoco, quyền lực lãnh đạo phụ thuộc hoàn toàn năng lực điều hành, quản lý của mỗi cá nhân và sự ủng hộ, tín nhiệm tập thể đối với từng người.
Từ trước đến nay, cán bộ lãnh đạo Khatoco nhận quyền chính là nhận thêm trách nhiệm gánh vác, chia sẻ chứ không phải để hưởng lợi. Vậy nên, khi lựa chọn lãnh đạo quản lý các cấp, ưu tiên số 1 của Khatoco tìm người được tập thể “tâm phục khẩu phục”. Quyền lực song hành với các chuẩn mực đạo đức thì mới tạo nên văn hoá quản lý. Chuẩn mực đạo đức của người lãnh đạo quản lý ở Khatocco, trước hết phải có tâm và có chí tiến thủ. Đó là những người luôn trung thực, tận tuỵ với công việc; đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sống giản dị, gần gũi, hoà đồng với người lao động và luôn học hỏi trau dồi kiến thức để đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Quyền lực và chuẩn mực đạo đức luôn tương ứng với nguyên tắc và phương thức quản lý. Những người lãnh đạo quản lý Khatoco đều xuất phát từ trải nghiệm thực tiễn nên họ hiểu rằng nguyên tắc quản lý, điều hành là bất biến, còn phương thức lãnh đạo quản lý là vạn biến. Nguyên tắc quản lý điều hành ở Khatoco dựa trên tinh thần dân chủ, công khai và minh bạch nhằm phát huy cao độ sức mạnh nội lực. Phương thức quản lý điều hành Khatoco là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - cấp trên mạnh dạn giao quyền cho cấp dưới, khuyến khích nhân viên phát huy sáng tạo, qua đó kiểm tra đánh giá năng lực của nhân viên một cách kịp thời, chính xác.
30 năm trôi qua, Khatoco hôm nay hùng hậu với 27 đơn vị thành viên kinh doanh đa ngành. Từ ngành đầu tiên là công nghiệp thuốc lá, tiếp đến là công nghiệp in-bao bì, dệt-may, du lịch, khách sạn, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, thuộc da…, tất cả đều là thành quả của một quá trình lao động miệt mài, khắc phục mọi túng thiếu, góp nhặt từng đồng vốn mà gầy dựng nên. Với Khatoco, phát triển bền vững là mục tiêu cơ bản, đồng hành các nhóm ngành cùng phát triển là mục tiêu chiến lược, bảo đảm lợi ích chung của từng doanh nghiệp và cho toàn tổ hợp Khatoco là mục tiêu cốt lõi; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người lao động là mục tiêu xuyên suốt; hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao gắn liền với trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng bao trùm các mục tiêu. Cái lớn nhất mà Khatoco để lại cho thế hệ mai sau không phải là bao nhiêu thiết bị, nhà xưởng, bao nhiêu nhân lực hay bao nhiêu khách hàng, mà chính là những giá trị văn hóa trong màu cờ sắc áo Khatoco.
Thông điệp văn hoá doanh nghiệp Khatoco:
1. Thượng tôn pháp luật
2. Uy tín – Minh bạch - Phát triển bền vững
3. Trách nhiệm xã hội – Nâng tầm doanh nghiệp
4. Chất lượng là thước đo giá trị
5. Đổi mới, hội nhập, sẵn sàng hợp tác, vươn tới tầm cao
6. Đồng hành phát triển, gắn kết dài lâu
7. Nhân lực là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp
8. Hiệu quả là mục tiêu hàng đầu
9. Sáng tạo, đoàn kết và tiếp bước truyền thống |
Minh Long