Đi cứu trợ trong cơn bão

Tôi theo Đoàn cứu trợ của Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) lên đường đi các tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế vừa trải qua cơn bão lũ, để cứu trợ bà con nghèo đang lâm vào cảnh khó khăn. Tổng số tiền từ Cán bộ, Công nhân viên Khatoco quyên góp cho đợt cứu trợ này là 500 triệu đồng, quy ra 40 tấn gạo để giao tận tay cho đồng bào. Đoàn đến Đà Nẵng đúng vào đêm cơn bão 11 đổ ập vào thành phố lớn nhất miền Trung này. Buổi tối, nghe gió rít gào, buổi sáng cả Đoàn không thể nào ra khỏi khách sạn, nhìn ra ô cửa kính thấy dòng sông Hàn chảy cuồn cuộn một màu vàng, cây cối ngã rạp bít cả con đường. Trong mưa bão ấy, lịch trình đi cứu trợ nạn nhân bão lũ của cơn bão số 10, giờ lại cộng thêm cơn bão số 11 vẫn không thay đổi. Nhưng dẫu mưa như vuốt mặt, dẫu đi qua những tan hoang, dẫu đi trên con đường như kẻ chỉ, để nhìn xung quanh là biển nước mênh mông, tất cả Đoàn đều lên đường, vì không thể để người dân chờ đợi, và không có quyền để họ chờ đợi.

 

Trong cuộc hành trình vượt qua mưa bão ấy, có một điểm đến mà lòng tôi day dứt không nguôi. Đó là xã Nghĩa Ninh, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Đó cũng là một xã thuần nông, gần như bà con không còn gì khi cơn bão lũ số 10 đi qua, nếu không nói là rất nghèo. Xã Nghĩa Ninh có diện tích 16,22 km², dân số năm 1999 là 10.067 người. Đó chỉ là con số trước khi chúng tôi tìm tới, như đề nghị của UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình, thì đây là nơi cần cấp cứu nhất, vì thế mà chỉ một xã đã được cứu trợ 10 tấn gạo.

 

 

Mưa, Quảng Bình có những cơn mưa như tát vào mặt. UBND xã Nghĩa Ninh có tấm bảng để người ta biết đó là văn phòng đã bị gió cuốn, mái ngói tốc, sách vở ướt đang để trong một căn phòng, đợi nắng lên đem ra phơi. Căn phòng làm việc của anh Đào Hữu Luyện - Chủ tịch UBND xã nhỏ, anh em chen mà ngồi. Anh chỉ nói rất đơn giản nhưng nghẹn ngào: “Xin thay mặt bà con Nghĩa Ninh cám ơn Đoàn đã đến cứu trợ.” Và Khatoco là Đoàn cứu trợ đầu tiên đã đến Nghĩa Ninh.

 

Rất nhiều người dân Nghĩa Ninh đã đợi sẵn. Tất cả đều mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm để chờ Đoàn cứu trợ tới. Những gương mặt nông dân nghèo ấy toát lên một vẻ thánh thiện. Họ chờ đợi, dẫu số gạo họ nhận được không thấm tháp gì so với cái mà họ mất mát.

 

Hai người phụ nữ xuất hiện, đó là chị Đặng Thị Thu - Chủ tịch UBMT xã và Trần Thị Dung - Phó Bí thư Thường trực. Danh sách các hộ dân nhận gạo đã được hai chị lên danh sách. Hai người phụ nữ yêu dân ấy lăn xả ngay vào công việc. Họ gọi từng tên một để nhận gạo, số gạo 10 tấn vậy mà mỗi hộ chỉ được 10 ký, chị Thu nói: “Tại vì xã này nghèo lắm, phải chia đều, không được thiếu một người.” Rồi khi xe chở gạo chuyển vào Hội trường xã, những người dân nghèo không nề hà, mỗi người phụ một tay chuyển gạo vào kho.

 

 

Tôi nhớ đến những gương mặt buồn, nhớ đến nụ cười của một cụ già ở Nghĩa Ninh: “Vậy là có cái ăn rồi.” Tôi nhớ đến hình ảnh chiếc xe đạp chở 10 ký gạo cứu trợ được bao ni lông cẩn thận cột sau xe đạp, chở về trong cơn mưa. Những hạt gạo nghĩa tình của Khatoco thực sự đã đưa đúng cho người cần nhất, chính những Cán bộ ở xã Nghĩa Ninh sẵn sàng làm việc không cần biết thời gian, để người dân của mình nhận được những hạt gạo sớm nhất, để ngay bữa cơm chiều họ được bát cơm nóng.

 

Cuộc sống sẽ qua ngày qua tháng. Bởi những muộn phiền của bão lũ sẽ qua. Có thể rất lâu chúng tôi mới trở lại Nghĩa Ninh, nhưng trong cuộc hành trình ghé đến ấy. Tôi giữ lại trong mình những gì mình nhận được tại nơi này, bởi ông bà ta nói: “Cho chính là đã nhận”.

Nguồn: Báo điện tử www.http://tcdulichtphcm.vn

TIN LIÊN QUAN

DANH MỤC NỘI DUNG

TIN KHUYẾN MÃI

© Tổng công ty Khánh Việt | 2015Đăng Nhập

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Tiến Anh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Khánh Việt