Hàm lượng sắt trong thịt đà điểu cũng giầu hơn so với các loại thịt kể trên. Do ít mỡ, không có mỡ giắt và thấp cholesterol, thịt đà điểu không gây nguy cơ thừa cân, béo phì và bệnh tim mạch như các loại thịt khác như như thịt lợn hay thịt cừu.
Một thí nghiệm thực hiện trên 18 người gồm cả nữ và nam, kéo dài 28 ngày. Bữa ăn của nữ chứa 1500 Kcal và của nam chứa 2000 Kcal. Cứ mỗi tuần có 10 bữa ăn có thịt đà điểu thay cho các loại thịt khác. Chế độ tập luyện của nam hay nữ giữ ổn định trong suốt thời kỳ thí nghiệm. Các người tham gia thí nghiệm được đo hàm lượng cholesterol máu và cân thể trọng trước và sau thí nghiệm. Việc cân thể trọng và đo hàm lượng cholesterol được thực hiện sau 8 giờ nhịn đói. Kết quả là sau thí nghiệm, tổng thể trọng của 18 người đã giảm 110,3 kg; nữ giảm trung bình 5,2 kg (biến động từ 3,1 đến 6,7 kg) còn nam giảm trung bình 7,4 kg (biến động từ 5,9 kg đến 9,5 kg). Hàm lượng cholesterol của phụ nữ giảm 12,5% còn của nam giới giảm 17,9%.
Thịt đà điểu không những bổ và lành mà còn mềm và thơm ngon. Mặt khác, ăn thịt đà điểu không làm thay đổi thói quen ăn thịt đỏ của nhiều người vì thịt đà điểu có thể chế biến theo cách rán, nướng hay sào…giống như thịt đỏ và hấp dẫn không kém thịt đỏ. Khi sử dụng thịt đà điểu có một điểm cần chú ý là pH của thịt giảm nhanh sau khi giết mổ và đạt pH = 6 trong vòng 6 giờ. Giá trị pH này là cao và thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nẩy nở dẫn đến giảm thời gian bảo quản. Điều này cho thấy cần phải chú ý khâu bảo quản thịt đà điểu sau giết mổ, nếu bảo quản lạnh chỉ nên kéo dài 2-3 tuần, tốt nhất chỉ nên bảo quản 9 ngày; thịt bao gói chân không thời gian bảo quản lạnh có thể kéo dài thêm.
Một con đà điểu nuôi 11- 12 tháng có thể nặng 100 kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt 60% (thịt xẻ là phần thân thịt đã loại bỏ lông, huyết, phủ tạng, đầu, da và chân), tỷ lệ thịt tinh đạt khoảng 30%. Giá 1kg thịt đà điểu ở châu Âu đắt hơn thịt bò từ 1,2 - 1,5 lần. Ở nước ta giá một kilogram thịt đà điểu hiện nay là 200-220 ngàn đồng, cao hơn thịt bò 1,6 - 1,7 lần.
Sở dĩ như vậy là vì nước ta phát triển nghề nuôi đà điểu mới chỉ được 10-15 năm gần đây, hiện nay chúng ta mới chỉ khai thác ưu thế về thịt mà chưa khai thác được ưu thế về da của đà điểu. Giá trị của da chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với giá trị của thịt (da chiếm 60-70% tổng giá trị của đà điểu).
Da đà điểu rất mềm mại và bền, mặt khác có 2 đặc điểm mà da của những động vật khác không có, đó là có nốt sần ở giữa bề mặt da (chiếm 40% diện tích tấm da) và vân sọc ở bề mặt xung quanh (chiếm 60% diện tích tấm da). Da chân và ngón cũng có thể đưa vào thuộc và cho vẻ đẹp không kém da rắn do có vẩy giống vẩy rắn. Giá của da đà điểu đắt hơn da bê 4 - 7 lần. Tuy nhiên thuộc da đà điểu đòi hỏi công nghệ cao và kinh nghiệm truyền thống (Ý là một trong các nước có công nghệ thuộc da đà điểu nổi tiếng thế giới).
Nước ta đang phát triển mạnh nghề nuôi đà điểu, đặc biệt nghề này đang phát triển mạnh ở vùng đồi núi, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. Tính theo thòi giá hiện nay nuôi một con đà điểu lấy thịt (từ 3 đến 11 tháng tuổi) có thể thu được 900 ngàn đến 1 triệu 300 ngàn đồng tiền lãi. Đây là một hướng chăn nuôi có triển vọng, tuy nhiên khi phát triển nghề nuôi đà điểu nếu khai thác được cả ưu thế về thịt và ưu thế về da thì lợi nhuận sẽ còn lớn hơn rất nhiều..
(Theo Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội)