Chiến lược biển Việt Nam 2020 – Nối tiếp huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Ngày 23/10/2011, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và Binh chủng Hải quân long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011).

Kể từ chuyến đi đầu tiên cho tới năm 1975, trên 150.000 tấn vũ khí, trang bị quân sự, đạn dược, thuốc chữa bệnh và hàng chục nghìn lượt cán bộ đã theo Đường Hồ Chí Minh, vào với đồng bào, chiến sĩ trên chiến trường miền Nam. Mỗi chuyến đi là những thử thách đầy khó khăn, gian khổ, căng thẳng, hiểm nguy đối với cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số; họ không chỉ đấu trí với kẻ thù mà còn phải vượt qua sóng gió, bão táp, những biến đổi khó lường của thiên nhiên khắc nghiệt. Mỗi chuyến đi là những câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm, đức hy sinh, sự tài trí; là những câu chyện cảm động về tình đồng đội, tinh thần vượt khó, xông pha nơi hiểm nguy, đối mặt trực diện với kẻ thù. Mỗi chuyến đi là một chiến công anh hùng, kể cả những chuyến đi thành công và những chuyến đi chưa trọn vẹn. Nhiều con tàu ra đi không trở về, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Đếm sao hết số lần phải thi gan, đấu trí với địch; kể sao hết những tấm gương dũng cảm, đức hy sinh cao quý. Tất cả đã làm nên kỳ tích một con đường huyền thoại trên biển - biểu tượng tự hào của dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do, thống nhất và vươn tới tương lai tươi sáng.
Chiến tranh lùi xa, biển và hải đảo trở thành nguồn lực kinh tế to lớn, mở ra một không gian sinh tồn mới, gắn bó mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta. Chúng ta có quyền mơ ước và quyết tâm xây dựng đất nước trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:
Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.
Một hướng đi mới đã mở ra cho vùng biển và hải đảo Việt Nam. 50 năm trước, Đường Hồ Chí Minh trên biển được khai phá bằng lòng quả cảm, tinh thần quyết tử cho độc lập tự do, non sông liền một dải. Con đường vận tải huyền thoại – những đóng góp, hy sinh thầm lặng, những chiến công hiển hách, những con tàu cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ hoá thân vào biển cả năm xưa, đã trở thành bệ phóng vững chãi cho những con tàu hôm nay vượt sóng vươn xa ra biển lớn, để Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển trong một tương lai không xa.

(Tin và ảnh: Ban Thường vụ Đảng ủy)

TIN LIÊN QUAN

DANH MỤC NỘI DUNG

TIN KHUYẾN MÃI

© Tổng công ty Khánh Việt | 2015Đăng Nhập

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Tiến Anh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Khánh Việt