Kỹ năng dã ngoại

Làm thế nào để có một chuyến dã ngoại kỳ thú? Những mẹo vặt từ việc chuẩn bị giày dép, quần áo, ba lô, lều bạt, dụng cụ, cách mắc võng, dựng lều, chọn bếp... tưởng là rất nhỏ nhưng lại quyết định không nhỏ đến một cuộc du hành.

Bước qua những kỹ năng cơ bản, bạn sẽ bắt đầu chọn lựa và tập thích ứng với các loại địa hình, thiên nhiên khác nhau. Việc đi lên dốc làm sao cho đỡ mất sức, việc nhóm lửa trong điều kiện ẩm ướt, làm sao để có bữa ăn ngon cho tập thể trong điều kiện xoong nồi, vật dụng “nội trợ” không đầy đủ như ở nhà mình? Những câu hỏi tiếp tục được đặt ra rất chi li và câu trả lời chung cho tất cả là: kỹ năng. Kỹ năng là cái phải học. Nó còn là đúc kết từ kinh nghiệm thực hành.

Rồi những kỹ năng “cao cấp” chuyên biệt hơn, có ích cho người trẻ thành phố chưa quen tiếp cận với môi trường thiên nhiên và ứng xử trước những “tình thế khó” của chuyến đi như bơi suối, tắm thác, tắm biển, việc sử dụng kỹ thuật những dụng cụ đồ nghề như dây, móc khoá leo núi, hay đơn giản chỉ là cách cầm mái chèo làm sao để một tập thể có thể đưa con thuyền đi nhanh nhất... Những tình thế phát sinh có thể xảy ra ngoài ý muốn: lạc đường, côn trùng cắn đến cách sử dụng bản đồ, cách định hướng khi lạc trong rừng sâu... được bộ cẩm nang này đề cập đến một cách khá chi tiết.

Đọc bộ sách nhỏ này, những bạn đọc sẽ tự tin và hiểu biết hơn trong những chuyến dã ngoại tập thể. Nó xứng đáng nằm trong ba lô của những nhà du hành trẻ ở đô thị trên đường tìm về với thiên nhiên!

Bộ sách có 6 tập: Du hành và cắm trại, Đến vùng sông núi, Tổ chức và điều hành một buổi lửa trại, Kịch bản, bài hát, trò chơi trong sinh hoạt lửa trại, Bản đồ và cách sử dụng bản đồ, Phương hướng và ước đạt. Tác giả Phạm Văn Nhân, nhà xuất bản Trẻ, 2008.

© Tổng công ty Khánh Việt | 2015Đăng Nhập

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Tiến Anh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Khánh Việt