Máy ép giấy là sản phẩm cơ khí dùng để ép giấy rời thành những kiện giấy được cột dây nhằm giảm khối lượng riêng của giấy, từ đó giảm chi phí vận chuyển cho các CT sản xuất giấy. Máy ép giấy có 2 loại là MEGN và máy ép giấy đứng. Trước đây, Xí nghiệp Cơ khí Khatoco (nay là CT PTHT Khatoco) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công MEGN 5050 để phục vụ nhu cầu ép kiện giấy cho Xí nghiệp In bao bì Khatoco. Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Thời điểm đó, CT PTHT Khatoco là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chế tạo thành công MEGN. Tuy nhiên, qua một thời gian vận hành, MEGN 5050 đã bộc lộ một số nhược điểm. Trong đó, phần lớn các nhược điểm của MEGN 5050 thuộc về hệ thống dẫn động như: Kết cấu khung máy yếu, kết cấu bàn ép chưa hợp lý, trục đẩy xi lanh ép dầu chịu lực ngang lớn nên dễ bị hư hỏng. Bên cạnh đó, do những thiết bị của máy chủ yếu là hàng nhập khẩu nên rất khó khăn khi sửa chữa, thay thế”. Vì vậy, tuy có giá thành thấp hơn nhưng MEGN 5050 cũ vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các loại máy nhập từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…
|
Công nhân đang dùng máy ép giấy ngang để ép kiện giấy |
Năm 2010, với phương châm cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất sản phẩm, lãnh đạo CT đã chọn MEGN là sản phẩm chủ lực để cung cấp cho thị trường và cạnh tranh với các CT nước ngoài. Nắm bắt được yêu cầu đó, ông Nguyễn Minh Tâm và một số đồng nghiệp đã thiết kế, cải tạo nhiều bộ phận của MEGN 5050 cũ thành MEGN 5050 mới có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Tâm tập trung cải tiến hệ thống dẫn động - hệ thống cơ khí có vai trò quyết định hoạt động ổn định của toàn máy. Sau khi nghiên cứu kỹ, ông Tâm đã lắp thêm 2 thanh ray bằng thép C45 để giúp máy ép hoạt động ổn định và kéo dài thời gian làm việc của máy. 2 thanh ray bằng thép này còn có thể cân chỉnh để khắc phục sai số do chế tạo. Bên cạnh đó, ông Tâm còn chú trọng cải tiến bàn ép giấy và khung ép đầu. Với bàn ép giấy, phương pháp cải tiến là tăng khoảng cách các bánh xe dưới, bánh xe hông; thay ổ bi bằng con lăn trượt chất liệu gang có khả năng chịu tải trọng, va đập tốt hơn; thiết kế lại kết cấu con lăn theo modul rời để dễ dàng tháo lắp và điều chỉnh… Đối với bộ phận khung ép đầu, ông Tâm đã mạnh dạn thay khớp nối chốt trượt bằng khớp cầu có khe hở lớn để đầu xi lanh có thể dịch chuyển tự do theo 2 chiều ngang, dọc…
Nhờ những cải tiến trên, năm 2010, CT PTHT Khatoco đã cho ra thị trường một loại MEGN 5050 mới với năng suất đạt từ 1 đến 1,5 tấn/giờ; độ nén chặt kiện lên đến 400 - 500kg/m3. Ngoài chất lượng và công suất, MEGN 5050 cải tiến còn có kiểu dáng công nghiệp đẹp mắt không thua kém máy ngoại nhập. Với những lợi thế đạt được sau khi cải tiến, CT đã mạnh dạn nâng cao giá bán MEGN 5050 từ 420 triệu đồng (năm 2008) lên 665 triệu đồng. Ông Lê Bá Ngọc - Phó Giám đốc CT cho biết: “Với những cải tiến về mặt chất lượng và kiểu dáng công nghiệp, sản phẩm MEGN của CT đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đến nay, CT đã cung cấp cho nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Long An… Chỉ tính riêng về sự chênh lệch giá bán máy, sáng kiến kỹ thuật cải tiến MEGN đã làm lợi cho CT hơn 200 triệu đồng/máy”.
Từ những cải tiến trên MEGN 5050, hiện nay, CT PTHT Khatoco đã sản xuất được nhiều loại MEGN với công suất lớn, mẫu mã đẹp và giá thành hợp lý như: MEGN-5050 (công suất 1 - 1,5 tấn/giờ) , MEGN-7575 (công suất 3 - 5 tấn/giờ), MEGN-11075 (công suất 5 - 7 tấn/giờ). Chính những yếu tố trên đã giúp CT ngày càng khẳng định được năng lực cạnh tranh so với sản phẩm MEGN của các doanh nghiệp nước ngoài.
(Nguồn tin: Báo điện tử Khánh Hòa http://baokhanhhoa.com.vn)